Tranh cãi Đại_hội_Huỳnh_Dương

Phần ghi chép về ‘Đại hội Huỳnh Dương’ của Ngô Vĩ Nghiệp, "Tuy khấu kỷ lược" được đưa vào "Minh sử", trở nên rất phổ biến. Nhưng hầu như chỉ có "Tuy khấu kỷ lược", còn những sách khác trong thời kỳ này, như Đái Lạp, Ngô Thù, "Hoài Lăng lưu khấu thủy chung lục", Trương Đại, "Thạch Quỹ thư hậu tập", Kế Lục Kỳ, "Minh quý bắc lược", Bành Tôn Di, "Bình khấu chí" và Đàm Thiên, "Quốc các", đều không nhắc đến ‘Đại hội Huỳnh Dương’. Từ Nãi "Tiểu thiển kỷ niên phụ khảo", Tra Kế Tá "Tội duy lục - Lý Tự Thành truyện", Phùng Tô "Kiến văn tùy bút - Lý Tự Thành truyện" có chép, nhưng đều dẫn từ "Tuy khấu kỷ lược". "Hoài Lăng lưu khấu thủy chung lục" còn chỉ ra: Ngô kỷ (tức "Tuy khấu kỷ lược") chép 72 doanh mở hội nghị ở Huỳnh Dương, là lầm vậy! Nhưng Tạ Đáp Nhân, "Lý Tự Thành tân truyện" từng xác minh rằng: có người trốn thoát khỏi nghĩa quân đi tố cáo. Tuy không có người trong cuộc nào ghi chép lại, nhưng có nhiều hơn một văn kiện báo cáo lên quan viên địa phương về hội nghị này.

Cố Thành, "Minh mạt nông dân chiến tranh sử" cho rằng chưa từng có ghi chép ai là người đề xướng mở ra hội nghị, cũng như không rõ quân đội nông dân các nơi liên lạc với nhau bằng cách nào; thêm nữa, không có một văn bản được lưu hành sau hội nghị. Từ đó kết luận ‘Đại hội Huỳnh Dương’ là một sự kiện hư cấu.

Vương Hưng Á, "Lý Tự Thành khởi nghĩa sử sự nghiên cứu" thừa nhận không thể tra cứu về sự kiện này từ bất cứ nguồn sử liệu nào khác, đồng thời cũng không nắm được lộ trình hay hoạt động (như đánh chiếm, cướp bóc nơi nào,…) của 13 thủ lĩnh cận thời điểm tham gia hội nghị.

Thậm chí, Biên Đại Thụ, "Hổ Khẩu dư sanh ký" còn cho rằng: năm Sùng Trinh thứ 9 (1636), Lý Tự Thành về Mễ Chi, tự làm rõ tên họ, về nhà tế tổ tiên, xưng hiệu là Sấm tướng, nhờ vậy bắt đầu biết tên họ của ông ta, không phải như "Tuy khấu kỷ lược" kể rằng Lý nhờ ‘Đại hội Huỳnh Dương’ mà có tiếng tăm.